THẬT ĐÁNG ĐỒNG TIỀN!

  • In bài này
Bạn đánh giá:  / 1
DỡHay 

THẬT ĐÁNG ĐỒNG TIỀN!

MAI NHẬT THI

Ngày xưa có một tên phú hộ kia rất keo kiệt và bủn xỉn lại thêm cái thói ích kỷ vô cảm không biết thương người. Trong số những người giúp việc trong nhà ông có một anh chàng được giao cho một con ngựa và chiếc xe thồ, anh này có bổn phận hằng ngày chuyên chở mọi thứ hàng hóa chuyến đi chuyến về trong việc mua bán cho ông...


THẬT ĐÁNG ĐỒNG TIỀN!
 

Ngày xưa có một tên phú hộ kia rất keo kiệt và bủn xỉn lại thêm cái thói ích kỷ vô cảm không biết thương người. Trong số những người giúp việc trong nhà ông có một anh chàng được giao cho một con ngựa và chiếc xe thồ, anh này có bổn phận hằng ngày chuyên chở mọi thứ hàng hóa chuyến đi chuyến về trong việc mua bán cho ông.

Tên phú hộ tuy không phải là độc ác, nhưng cũng có thể nói là có phần ngược lại với hiền lành. Ông không thể chịu nổi cái cảnh người làm việc cho ông được hưởng tiền một cách dễ dàng mà không thấy họ phải chịu đổ mồ hôi xót con mắt cân xứng với đồng tiền ông bỏ ra. Nói một cách khác, ông rất hụt hẫng khi thấy họ làm công việc xem ra quá nhẹ nhàng mà lấy được đồng tiền của ông một cách quá dễ dàng như thế! Ông thường càu nhàu và lẩm bẩm: “Sao mà dễ ăn thế?”. Nói chung, lòng ông… không được bình an khi thấy người làm công cho ông sống quá… an bình!

Thế nên, mới có câu chuyện này.

Người đầy tớ điều khiển con ngựa kéo chiếc xe thồ chở hàng khứ hồi từ quê ra phố trên con đường cả chục cây số, ngày nào cũng như ngày nào, qua con đường tương đối bằng phẳng và công việc xem ra quá nhẹ nhàng trong tầm mắt ông. Ông ngẫm nghĩ mãi mà lòng không yên:

“Hắn ta nhà có sẵn ở, tủ giường bàn ghế có sẵn xài, hư hao không mất tiền sửa, lại thỉnh thoảng còn được vợ con mình thưởng tiền thêm, đau yếu mình phải lo, cái ăn cái mặc hắn khỏi bận tâm, việc làm không mấy nặng nhọc, tới tháng ung dung lãnh tiền lương, tính ra các thứ cộng lại gần như chia đôi 50-50 với  mình rồi, vậy có công bằng không, có xứng với đồng tiền mình bỏ ra cho hắn không chứ! Hắn phải làm việc thế nào để “thật đáng đồng tiền” mình bỏ ra chứ!”

Nghĩ vậy, tối hôm ấy, ông phú hộ gọi anh giúp việc đến và bảo:

- Lên phố có hai con đường, từ ngày mai, anh đi con đường phía Đông đấy.

- Nhưng, thưa ông chủ, con đường phía Đông gập ghềnh lầy lội lắm, không mấy ai đi. Con đường phía Nam tốt hơn nhiều.Người giúp việc rất ngạc nhiên đáp lại.

- Tôi biết, nhưng anh phải tập  cho con ngựa quen làm việc trong những tình huống khó khăn, đường bằng phẳng con ngựa nào mà chẳng là con ngựa hay?

- Nhưng thưa ông chủ, sẽ mất nhiều thời gian và công sức khi đi con đường đó…

- Nhưng công việc của chúng ta đâu cần nhanh. Tôi muốn con ngựa quen với công việc gian khó. Bản thân của anh cũng thế, ví phỏng đường đời đều bằng phẳng cả thì ai hơn ai, nó rèn luyện anh đấy, anh phải học lấy điều này.

- Nhưng, thưa ông chủ…

- Nếu anh ngại khó anh có thể xin nghỉ việc. Ông phú hộ lạnh lùng kết luận.

Ngày hôm sau, người giúp việc cùng với ngựa xe lên đường. Khi đến ngã rẽ con ngựa vòng qua con đường bằng phẳng như mọi khi. Anh giúp việc giật giây cương ra hiệu cho nó đi qua con đường gập ghềnh lầy lội. Con ngựa không chịu nghe theo, nó ghì đầu lôi xe về con đường tốt phía Nam như nó đã từng đi. “Ngựa quen đường cũ” mà! Anh giúp việc giật mạnh giây cương và bắt đầu hò hét. Có lẽ con ngựa cũng ngạc nhiên, vì chưa bao giờ người chủ điều khiển nó tỏ ra hung hăng một cách vô lý đối với nó như thế. Anh giúp việc rất hiền hòa, và sau mỗi chuyến đi, anh thường vuốt ve chăm sóc nó. Có thể con ngựa đang thắc mắc “ông chủ mình hôm nay sao thế?”. Nó bường mạnh lên hướng con đường tốt mà nó đã quá quen thuộc. Người ngựa dằn co hồi lâu, anh giúp việc rút roi ra, và đây là lần đầu tiên anh dùng roi đánh ngựa thẳng tay, anh đánh tới tấp. Con ngựa chứng thêm một lúc, rồi vì roi vọt quá đau đớn, nó đành chịu thua vòng qua con đường gập ghềnh lầy lội.

Cứ thế, một, rồi hai, rồi ba… và nhiều nhiều nữa… những chuyến đi. Con ngựa ăn đòn không biết bao nhiêu trước khi nó phải chấp nhận con đường gian khó một cách… khó hiểu! Anh giúp việc rất thương nó còn nó thì chắc thương hết nỗi ông chủ “kỳ lạ” của nó. Sau mỗi chuyến đi, cả người lẫn ngựa đều trông xơ xác sầu não, nhất là vào những ngày mưa gió, chỉ có ông phú hộ là tươi tỉnh.

Nhìn cảnh người ngựa tơi tả, anh giúp việc phải rửa xe, tắm ngựa… phải làm thêm nhiều việc hơn trước đây, mặc dù cũng với cùng một công việc như trước đây, ông rất thỏa mãn. Phải thế chứ. Thế mới “thật đáng đồng tiền”!

Thời gian trôi qua, người và ngựa đều quen với “cách sống mới”, cho đến một ngày kia, xóm làng yên tĩnh bỗng bị bùng cháy vì giặc cướp đến, chúng bắt đầu đốt phá và vơ vét thôn xóm lân cận. Nghe tin kinh hoàng, ông phú hộ gom góp những đồ quí nhất chất lên xe và gấp rút trốn chạy.

Xe ra khỏi thôn làng, đến ngã rẽ, nó thẳng tiến về con đường gập ghềnh lầy lội. Ông phú hộ hét.

- Cho xe chạy vòng qua con đường tốt. Nhanh lên!

Anh giúp việc điều khiển cho ngựa chạy qua con đường bằng phẳng, nhưng nó không chịu. Có lẽ con ngựa nhớ lại những trận đòn chí tử mà nó phải chịu để từ bỏ con đường này, giờ nó không dám đi vòng qua con đường roi vọt này. Ông chủ càng gào thét:

- Giặc cướp đến kề sau lưng rồi, ngươi hiểu chưa, bằng mọi cách phải làm cho nó chạy nhanh lên con đường phía Nam đấy!

Anh giúp việc dùng roi, anh không đánh nó mạnh như anh từng làm khi bắt nó từ bỏ con đường tốt ngày trước. Anh chỉ giơ cao đánh khẻ, chủ yếu anh hò hét dữ dội. Con ngựa bất kham nó hí vang và lao vào con đường xấu như nó đã từng đi thời gian gần đây.

- Thưa ông chủ - người giúp việc nói-  “ngựa quen đường cũ” rồi ạ, chúng ta mạnh tay quá nó có thể chứng nằm luôn nơi đây đấy ông chủ, vì không lâu trước đây, nó đã phải ăn đòn nhiều để từ bỏ con đường tốt đi vào con đường xấu theo ý ông chủ muốn.

Nghe thế, ông lo lắng, ông nói như hét.

- Thôi, cứ giục nó chạy nhanh đi, đường nào cũng được.

Anh giúp việc buông lỏng giây cương, và con ngựa lao vào con đường gập ghềnh lầy lội…

Không lâu sau, bọn giặc cướp reo hò đuổi theo sau lưng…

Con ngựa gần đây làm việc đuối sức, bây giờ phải kéo chiếc xe nặng, chạy trên con đường xấu, nó không thể tiến nhanh được.

Bọn giặc cướp đuổi kịp, chiếm đoạt hết những gì quý giá trên xe. Chúng răn đe một lúc, rồi bỏ đi.

Ông phú hộ chỉ còn tay trắng với chiếc xe trống rỗng.

Về sau, những người biết được câu chuyện này, đã thở dài ngao ngán:

- Ông phú hộ ở đời biết cách hành xử “thật đáng… đồng tiền”, và cũng “thật đáng… đời”!

___________

CHIA SẺ MỘT CHÚT SUY TƯ     

THẬT ĐÁNG ĐỒNG TIỀN!

Cách đánh giá công việc

Ngày xưa, khi còn học tiểu học, có lần tôi đọc được truyện “Bức tranh con gà giá 1 triệu”, nội dung đại ý như sau:

Có một người đến nhờ một họa sĩ vẽ một bức tranh con gà trống đang trong tư thế chiến đấu. Người mướn vẽ tranh nói:

Anh vẽ bức tranh thế nào mà nhìn vào bức tranh thấy con gà sống động như con gà thật…

Anh chàng họa sĩ nhận lời và hẹn ngày đến nhận bức tranh.

Đến ngày hẹn, người mướn vẽ tranh đến. Anh họa sĩ đem bức tranh đưa cho thân chủ. Quả là bức tranh tuyệt đẹp. Nhìn vào hình vẽ con gà, tưởng chừng con gà đang nhảy ra từ bức tranh, thật sống động, oai vệ, màu sắc thật hài hòa, trung thực. Quả là bức tranh không chê vào đâu được.

Người mướn vẽ tranh rất hài lòng và hỏi giá.

Xin ông vui lòng cho 1 triệu, thư ông! Chàng họa sĩ đáp.

Một triệu?- Người mướn vẽ tranh có vẻ bất ngờ. Dường như giá cao quá, phải không, thưa họa sĩ?

Vâng, thưa ông, xin ông vui lòng vào phòng vẽ tranh của tôi một chút ạ.

Chàng họa sĩ mở cửa phòng vẽ. Trước mắt người mướn vẽ tranh, không phải là cả chục, mà là cả trăm bức tranh con gà, những con gà đủ mọi tư thế, và đủ loại màu sắc khác nhau, nằm ngổn ngang trên sàn phòng vẽ.

Người mướn vẽ tranh thoáng im lặng, ông bước ra phòng khách, nhận bức tranh, trả tiền cho họa sĩ, và tươi cười nói:

Cám ơn họa sĩ. Bức tranh này rẻ quá!

Ngày xưa, khi còn học Trung Học (Tiểu Chủng Viện), có lần trường cần tiền làm sân Basket, nên tổ chức xổ số và giao cho mỗi em học sinh (chủng sinh) đem về quê nhà dịp nghỉ Hè tìm người mua ủng hộ. Việc in vé số cần có hình mẫu vé số, và ai có thể vẽ thì tự nguyện vẽ gởi cho ban tổ chức, ban tổ chức sẽ chọn mẫu nào đẹp và ý nghĩa nhất. Tôi cũng có ý tham gia. Chuyện nhỏ như vậy thôi mà ba bốn đêm nhớ tới nó là không ngủ được. Cuối cùng một ý tưởng đến với tôi. Tôi vẽ tòa nhà Chủng Viện và một góc trên tòa nhà vẽ cái đuốc cháy sáng và 5 vòng tròn biểu tượng thể thao Thế Giới (năm châu). Và mẫu hình ấy được ban tổ chức chọn. Ý tưởng nhỏ thôi, mà tâm trí bận rộn đến như thế!

Từ tâm

Thường khi, người ta cậy có tiền bạc tung ra, rồi đòi hỏi thế này, thế nọ, để sao cho “thật đáng đồng tiền” mà họ buông ra, nhưng họ lại không đủ khả năng để đánh giá công sức mà người ta đã bỏ ra để công việc được hoàn thành sao cho tốt đẹp nhứt như có thể.

Ở đây ta không nói đến hạng người thích ăn không ngồi rồi, lánh nặng tìm nhẹ, tìm mọi cách cầu nhàn… nhưng chúng ta nói đến lớp người chưa gặp may mắn trong cuộc sống, đang gặp nhiều khó khăn, thiện chí vươn lên mạnh mẽ mà cơ hội tiến thân vẫn chưa tìm thấy, tài năng tâm trí cao mà điều kiện làm việc để khai thác thực lực tiềm năng lại rất thấp…

Tiền là “mồ hôi nước mắt”, ai chẳng biết thế, nhưng nó cũng “đổi lấy” mồ hôi nước mắt của người khác, nhưng thường khi không “đổi lấy” cách công bằng mà lại “mua mồ hôi nước mắt” của người khác với giá rẻ! Thế nên ta thường nghe nhiều người giàu có bỏ tiền ra “bốc lột sức lao động” của người nghèo, còn những kẻ có danh giá khi bỏ tiền ra mướn người khác làm việc cho mình thì tự xem mình như kẻ thi ân bố thí.

Ôi, tiền tài danh vọng bao giờ cũng quá lớn! Tiếc thay, trong đa số trường hợp, nó càng lớn thì lòng người càng hẹp. Lòng người càng hẹp thì càng ích kỷ, ganh tỵ.

Cay đắng thay, tình đời có thể ganh tỵ cả lòng tốt nữa!

Về vấn đề này, Kinh Thánh có câu chuyện sau đây:

Dụ ngôn thợ làm vườn nho

"Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng." Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: "Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết? " Họ đáp: "Vì không ai mướn chúng tôi." Ông bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho! ".

Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: "Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất." Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: "Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt." Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức? (Mt.20.1-15).

Không cần suy luận nhiều, ta cũng hiểu ông chủ đây rất mực từ tâm. Ông nâng đỡ, bênh vực cho những người thất nghiệp, những người bị bỏ rơi… Ông chủ này bỏ tiền ra mướn những người như vậy có “thật đáng đồng tiền” không? Hỏi là trả lời rồi vậy! Với bạn đọc giàu tưởng tượng, các bạn có thể hình dung cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa ông chủ trong câu chuyện “Dụ ngôn vườn nho” và ông chủ trong câu chuyện “Thật đáng đồng tiền” chắc là thú vị lắm. Điểm rõ nhất, đó là sự đối ngược giữa hai quan niệm và thái độ sống. Bên nào cũng muốn sự hao tốn của mình phải “thật đáng đồng tiền”, nhưng một bên thì bằng cách hành hạ, còn một bên thì bằng cách cứu giúp.

Ở đời, để có lợi nhuận cho cuộc sống tốt hơn, cần phải biết chọn lựa sao cho “thật đáng đồng tiền”, nhưng thế nào là “đáng đồng tiền” còn tùy sự đánh giá, sự hiểu biết và nhất là “cái tâm” của mỗi người. Đời không chỉ là sự “công bằng”, “sòng phẳng”, nó còn có sự nâng đỡ, khích lệ, chia sẻ, đùm bọc, chở che nữa... Xưa kia, học sinh ngay từ những lớp đầu tiên ở bậc Tiểu Học ai cũng nằm lòng những câu ca dao, tục ngữ về tình yêu thương liên đới được trải đều trong sách giáo khoa suốt bậc Tiểu Học trong những môn học khác nhau, từ tập viết, tập đọc, tập vẽ, đến làm luận văn, chính tả… ngày nay thì hiếm thấy, như: Lá lành đùm lá rách. Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng…
 


 

Ta có thể ngẫm nghĩ nhiều hơn, khi biết tính toán sao cho “thật đáng đồng tiền”, nhưng, bên cạnh đó, cũng còn có tiếng nói khác thiêng liêng trong thẳm sâu lòng ta: “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”(ND).

MAI NHẬT THI