You are here:

BÀI HỌC TỪ CÂY CỔ THỤ - Mai Nhật Thi

Bạn đánh giá:  / 3
DỡHay 

BÀI HỌC TỪ CÂY CỔ THỤ

Ngày nọ, một cậu bé đứng tựa vào gốc cây to xù xì, thì thầm hỏi:

- Ông cây ơi! Ông cây hãy chỉ cho con cách nào làm ba mẹ vui lòng mà con vẫn được là chính mình.

Cây cổ thụ đáp:

- Con hãy nhìn ta đây: Cả một đời ta phơi mình trong nắng gió. Biết bao lần phải oằn mình trong giông bão nhưng ta vẫn là ta, vẫn là thân cây tỏa bóng mát cho mọi người (...)

 

BÀI HỌC TỪ CÂY CỔ THỤ
 


 

Ngày nọ, một cậu bé đứng tựa vào gốc cây to xù xì, thì thầm hỏi:

- Ông cây ơi! Ông cây hãy chỉ cho con cách nào làm ba mẹ vui lòng mà con vẫn được là chính mình.

Cây cổ thụ đáp:

- Con hãy nhìn ta đây: Cả một đời ta phơi mình trong nắng gió. Biết bao lần phải oằn mình trong giông bão nhưng ta vẫn là ta, vẫn là thân cây tỏa bóng mát cho mọi người.

Qua hôm sau, một người đàn ông tìm đến cây than thở:

- Cây ơi, tôi là một người đàn ông bất tài vô dụng. Bao năm trôi qua rồi mà tôi vẫn là anh nhân viên quèn, không thăng tiến được. Tôi không thể lo cho vợ con mình một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi thật sự đã thất bại, tôi chán bản thân mình lắm rồi.

Anh hãy nhìn tôi mà xem – Cây cổ thụ lên tiếng chia sẻ - Tôi chấp nhận tự thay đổi để thích nghi với mọi điều kiện. Vào mùa Xuân, tôi khoác lên mình chiếc áo xinh tươi, đâm chồi nở hoa rực rỡ. Nhưng khi mùa Đông lạnh giá kéo về thì tôi ủ rũ, xám xịt với những cành cây khẳng khiu. Lúc sang Thu lá vàng rơi để lại thân cây trơ cành trông như bộ xương khô không còn sức sống. Đến Hè, tôi lại vươn vai tỏa bóng mát um tùm. Và như anh thấy đấy, dù có thay đổi thế nào thì tôi vẫn là tôi, là gốc cây đứng bên vệ đường chứng kiến bao thăng trầm của cuộc sống.

Đến một ngày có cô gái đau khổ vì yêu chạy tới ôm lấy thân cây, òa khóc nức nở:

- Cây ơi! Người yêu của tôi đã rời xa tôi rồi. Tôi cảm thấy mất mát thật nhiều và đau khổ lắm. Giờ đây có lẽ tôi không thể yêu ai khác được nữa.

Cây cổ thụ nhìn cô gái đầy thương cảm, dịu dàng nói:

- Cô hãy ngước lên và nhìn tôi đi. Nào là chim chóc, sâu bọ, gõ kiến; nào là rong rêu, dây leo. Cây tầm gửi bám đầy trên người tôi. Hằng ngày chúng lấy đi của tôi biết bao nguồn nhựa sống. Nhiều khi, tôi tưởng như không còn đủ sức chịu đựng thêm được nữa. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi. Tôi vẫn là tôi, hiên ngang cho đi và dám hy sinh những gì mình có.

________________

CHÚT SUY TƯ

Cậu bé

Tuổi vào đời

Tự do và sự trưởng thành.

Cậu bé ở đây có thể xem như một đại diện cho “tuổi vào đời”, tuổi teens, tuổi vừa lớn.

Cái tuổi mà những tháng ngày êm đềm trong “tổ ấm” gia đình, luôn vâng lời cha mẹ và được cha mẹ đùm bọc bảo vệ, chợt những tháng ngày ấy có thể trở nên nhàm chán và cảm thấy tù túng. Cậu bé - lứa tuổi ấy - muốn vùng dậy dành lấy quyền quyết định, quyền tự do. Nhưng, thật đáng tiếc, chúng chưa đủ khôn ngoan để là người lớn, và không còn nhỏ nữa để vẫn là em bé. Đồng ý, ở lứa tuổi này, cần có một con đường khám phá, sáng tạo, “đầy cá tính”và “rất là chính mình”, nhưng không thể không học hỏi và lắng nghe kinh nghiệm của người lớn. Gần gủi, và hiểu về họ nhất, không ai khác hơn là cha mẹ, những người thân trong mái ấm gia đình.

Thực tế cho thấy, có bao “cô cậu” muốn được tự do, lìa bỏ gia đình, rời bỏ cha mẹ, sống bụi đời, không còn đạo lý nào ràng buộc, sống lưu manh, đánh mất nhân phẩm, có khi vướng vào tội lỗi, sa vào vòng lao lý, biến cuộc đời mình thành vô nghĩa, không đóng góp được gì hữu ích cho cuộc đời.

Nhiều “cô cậu” tự quyết định việc riêng tư, mọi chuyện lớn nhỏ, có khi vội vã cả chuyện lớn lao như tình yêu non dại, tự do giao thiệp kết bè kết phái, mà không cần ý kiến cha mẹ hay bất cứ một ai hướng dẫn, kết quả tự rước vào thân biết bao đắng cay, tan vỡ, gây đau khổ cho cả gia đình và biết bao người, bản thân họ bước vào đời đầy mặc cảm, mất niềm tin yêu vào cuộc sống.

Họ chưa đủ trưởng thành để sử dụng tự do một cách đúng đắn.

Lời cây cổ thụ nói: - “Cả một đời ta phơi mình trong nắng gió. Biết bao lần phải oằn mình trong giông bão nhưng ta vẫn là ta, vẫn là thân cây tỏa bóng mát cho mọi người”.

Cây vẫn trở nên hữu ích, “tỏa bóng mát cho đời”, nó chịu đựng bao nắng gió và giông bão để lớn lên và trở thành vật hữu ích cho cuộc sống. Còn biết bao bạn trẻ thì trở nên gánh nặng cho gia đình, cho xã hội.
 


 

Người đàn ông

Người đàn ông ở đây có thể xem như một đại diện cho con người đang đầy sức sống và làm việc.

Cuộc sống không phải là một bức tranh bất động với những vật thể và màu sắc đã được định sẵn mà là một bức tranh sống động với sự biến hóa không ngừng và sự thay đổi khôn lường.

Lời cây cổ thụ nói: “Tôi chấp nhận tự thay đổi để thích nghi với mọi điều kiện. Vào mùa Xuân, tôi khoác lên mình chiếc áo xinh tươi, đâm chồi nở hoa rực rỡ. Nhưng khi mùa Đông lạnh giá kéo về thì tôi ủ rũ, xám xịt với những cành cây khẳng khiu. Lúc sang Thu lá vàng rơi để lại thân cây trơ cành trông như bộ xương khô không còn sức sống. Đến , tôi lại vươn vai tỏa bóng mát um tùm. Và như anh thấy đấy, dù có thay đổi thế nào thì tôi vẫn là tôi, là gốc cây đứng bên vệ đường chứng kiến bao thăng trầm của cuộc sống.

Ta nghe phảng phất hình ảnh của dòng sông, mà chữ “thời” cũng là định mệnh gắn liền với đời người: “Sông có khúc, người có lúc”. Sông có khúc dài thẳng tắp mênh mông, có khúc uốn cong quanh co eo hẹp, có khúc phẳng lặng êm đềm, có khúc thành thác gềnh gào thét…

Người đàn ông trong câu chuyện này đang thất bại. Tôi thật sự đã thất bại, tôi chán bản thân mình lắm rồi”.

Nhưng, sự thất bại ấy chỉ là “một lúc - một thời” trong cuộc đời ông. Tựa như cây cổ thụ “mùa Đông lạnh giá kéo về ủ rũ, xám xịt. Hay lúc sang Thu trông như bộ xương khô không còn sức sống”. Nhưng rồi, sẽ có mùa Xuânkhoác chiếc áo xinh tươi với màu hoa rực rỡ, hay mùa tươi màu xanh lá tỏa bóng mát um tùm. Bài học đó cho con người: “Ta vẫn là ta”, vẫn đứng vững và chấp nhận những đổi thay để vui sống, làm việc, và tiếp tực đóng góp cho cuộc sống này một cuộc đời có ý nghĩa.

Cô gái

Cô gái ở đây có thể xem như một đại diện cho những người đang đối diện với những thử thách của tình yêu.

Tình yêu ở đây, có thể nhìn ở góc độ rộng hơn, chung chung hơn, đó là tiếng nói của trái tim, tình người, tình lứa đôi, tình bạn, tình gia đình, những thứ tình thiêng liêng cao quý…

Cô gái nói với câu cổ thụ: - Cây ơi! Người yêu của tôi đã rời xa tôi rồi. Tôi cảm thấy mất mát thật nhiều và đau khổ lắm. Giờ đây có lẽ tôi không thể yêu ai khác được nữa.

Cuộc sống này nay, quả thực lắm cảnh tình đời điêu ngoa gian dối. Ai không hơn một lần ngậm đắng nuốt cay khi đối diện với tình đời đổi trắng thay đen. Nhưng lẽ nào, vì đó, ta “Tôi không thể yêu ai được nữa!” sao?

Cuộc đời vẫn còn đó vẻ đẹp muôn màu, và cuộc sống quanh ta vẫn còn đó những tấm lòng vàng cao cả. Tình yêu nào cũng có hy sinh, trong hy sinh luôn có thiệt thòi. Ta yêu cuộc đời này, ta yêu đồng loại, có thể ta chưa thể gạn đục khơi trong để giữ lấy sự an toàn cho bản thân mình khỏi bị thương tích lọc lừa, nhưng tình yêu có sự ngọt ngào và nỗi đau của nó. Thà mang trái tim rỉ máu đau thương còn hơn mang trái tim chai đá vô cảm vô tri. Vì trái tim chai đá vô cảm vô tri không phải là trái tim của một con người. Trừ khi bạn không nhận mình là một con người thì cứ mang lấy nó. Trong Kinh Thánh có câu: “Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt”. (Ê-dê-ki-en 36,26). Một trái tim bằng thịt để biết rung động vì yêu thương và cũng sẵn sàng mang thương tích vì tình yêu.

Bình tâm suy ngẫm sâu xa như vậy, ta sẽ thấy thấm thía câu trả lời của cây cổ thụ với cô gái: - Cô hãy ngước lên và nhìn tôi đi. Nào là chim chóc, sâu bọ, gõ kiến; nào là rong rêu, dây leo. Cây tầm gửi bám đầy trên người tôi. Hằng ngày chúng lấy đi của tôi biết bao nguồn nhựa sống. Nhiều khi, tôi tưởng như không còn đủ sức chịu đựng thêm được nữa. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi. Tôi vẫn là tôi, hiên ngang cho đi và dám hy sinh những gì mình có.

Điểm qua 3 nhận vật trong câu chuyện này, ta nhìn thấy một người - cậu bé -  “học làm người” để lớn lên. Một người - người đàn ông - cần kiên trì phấn đấu làm việc trong cuộc sống. Và, một người khác nữa - cô gái -  phải giữ lòng thanh thản an bình với con tim quảng đại để biết chấp nhận niềm vui và thương tích của tình yêu.

Muốn sống một cuộc đời có ý nghĩa, con người cần nghị lực vững mạnh và nội tâm sâu xa, để đứng vững như cây cổ thụ giữa dòng đời đầy mưa nắng giông bão.  

MAI NHẬT THI

 

Đang có 235 khách và không thành viên đang online

13076440
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần rồi
Tháng này
Tháng rồi
Tất cả
14907
14671
29578
12964317
224638
331506
13076440

Your IP: 3.145.195.198
Server Time: 2024-05-20 23:20:46