GIÁ TRỊ THỰC BÊN TRONG
GIÁ TRỊ THỰC BÊN TRONG
Người xưa có câu chuyện Mãi Độc Hoàn Châu sau đây:
Thời Xuân Thu, ở nước Sở có một người buôn châu báu, ông thường đi đến nước Trịnh và nước Sở để buôn bán. Ông ta buôn bán rất biết giữ chữ Tín cho nên mọi người đều thích mua châu báu của ông.
GIÁ TRỊ THỰC BÊN TRONG
Người xưa có câu chuyện Mãi Độc Hoàn Châu sau đây:
Thời Xuân Thu, ở nước Sở có một người buôn châu báu, ông thường đi đến nước Trịnh và nước Sở để buôn bán. Ông ta buôn bán rất biết giữ chữ Tín cho nên mọi người đều thích mua châu báu của ông.
Một ngày nọ ông ta được một viên Dạ minh châu, tuy viên ngọc này không khác những viên ngọc khác là mấy nhưng đến đêm nó phát ra ánh sáng. Để có thể bán được viên ngọc này với giá cao, người thương nhân đó đã nhờ một người thợ mộc nổi tiếng làm cho một chiếc hộp, sau đó ông lại nhờ một thợ điêu khắc chạm trổ những nét hoa văn bên ngoài, bốn mặt đều chạm hình lông chim rực rỡ sắc màu, đồng thời ông còn dùng hương liệu quý bỏ vào trong hộp cho tỏa ra mùi thơm. Người thương nhân mở chiếc hộp ra, rồi đặt vào đó hai lớp vải và cẩn thận cho viên ngọc quý vào trong. Ông ta nghĩ rằng, đặt viên ngọc vào trong chiếc hộp như thế này chắc chắn người nước Trịnh sẽ tranh nhau đến mua, khi đó ông có thể trở thành một nhà buôn lớn. Viên ngọc đã được bảo vệ kỹ lưỡng, ông ta đến nước Trịnh.
Sau khi đến nước Trịnh, ông ta đem viên ngọc đó bày ra trước đám đông, rồi ông ngồi xuống lớn tiếng rao: “Mau lại xem, mau lại mua đi, đây là vật quý trên trần gian - Dạ minh châu”.
Tiếng rao của ông đã thu hút không biết bao nhiêu người. Một số thương nhân giàu có nước Trịnh sau khi xem xong viên bảo bối hỏi:
“Bao nhiêu tiền?”.
“Không mặc cả, giá của nó là 3.200 lạng vàng”.Người thương nhân kia nói.
“Ái chà! Những ba ngàn hai cơ à? Tôi không mua được”.
“Ở đây có việc gì mà náo nhiệt thế này?”
Mọi người đều quay đầu lại nhìn. Người đang nói kia là một người giàu có nhất ở nước Trịnh, tên là Chu Lục.
Người thương nhân biết đây là người giàu có nước Trịnh, nhã nhặn nói:
“Khách quan, ngài có muốn mua viên Dạ minh châu này không?”
Nghe xong người kia nghĩ bụng: ta sớm biết viên Dạ minh châu này là vật vô giá, nay gặp được sao lại không mua?
“Bán bao nhiêu?”,Chu Lục hỏi.
“Không mặc cả, giá bán là ba ngàn hai trăm lượng vàng”, người thương nhân trả lời.
“Được ! 3.200 thì 3.200 !”.
Chu Lục nói xong bèn cầm tiền đưa cho người thương nhân.
Chu Lục lại nhìn thấy chiếc hộp đựng viên ngọc này được chạm khắc một cách tinh tế, đường nét hoa văn mỹ lệ lại còn tỏa ra mùi thơm. Ông không cầm được sự thích thú, bèn mở chiếc hộp đó ra xem, rồi nói:
“Viên ngọc này trả cho ông, tôi mua chiếc hộp này”.
“Khách quan! Chiếc hộp này chỉ đáng giá một trăm đến hai trăm lượng thôi, làm sao có thể đáng giá hơn 3.200 lạng vàng được”.
“Không, tôi thấy viên ngọc chỉ có giá một trăm đến hai trăm lượng thôi, còn chiếc hộp này mới đáng giá ba ngàn hai trăm lượng”.Nói xong, Chu Lục bỏ đi.
Người thương nhân nhìn theo bóng Chu Lục xa dần, trong lòng nghĩ: “Đồ vật xem ra không thể nhìn hình thức bên ngoài, viên ngọc này tuy nhỏ nhưng kỳ thực giá trị của nó gấp trăm lần cái hộp kia”.
ĐIỂN CỐ TRUNG HOA.
______________
CHIA SẺ MỘT CHÚT SUY TƯ
GIÁ TRỊ THỰC BÊN TRONG
Ta điểm qua một chút về hai nhân vật chính trong truyện.
CHU LỤC
Chu Lục là người giàu có. “Người đang nói kia là một người giàu có nhất ở nước Trịnh, tên là Chu Lục”.
Vì giàu có bậc nhất nên mặc nhiên có thể tự nhận hoặc được thiên hạ nhìn nhận là hạng người “cao sang”, nổi tiếng, được nhiều người biết đến và nể trọng. Người thương nhân biết đây là người giàu có nước Trịnh, nhã nhặn nói: “Khách quan, ngài có muốn mua viên Dạ minh châu này không?”
Đã giàu sang thì phải ứng xử đúng tầm cỡ với địa vị giàu sang, học cách ăn cách ở của người giàu sang, muốn thế phải hiểu biết những gì thuộc tầng lớp quí phái, sang trọng, tung tiền cách hào phóng, và phán quyết định đoạt như một kẻ hiểu biết tinh thông những đồ quí báu mà hầu như chỉ có tầng lớp giàu có mới có thể rõ biết nó và sở hữu nó. “Được ! 3.200 thì 3.200 !”. Chu Lục nói xong bèn cầm tiền đưa cho người thương nhân.
Nhưng…
Sự “hiểu biết” luôn có những bậc thang giá trị khác nhau. Cái gọi là “biết” mà ta đang sở hữu, ta có nhận ra nó nằm ở bậc thang giá trị nào không? – Nói nôm na: Biết sơ sơ, biết khá nhiều, biết đầy đủ, biết sâu xa… Nghe xong người kia nghĩ bụng: ta sớm “biết” viên Dạ minh châu này là vật vô giá, nay gặp được sao lại không mua? - “Bán bao nhiêu?”, Chu Lục hỏi.
Không biết trình độ “biết” về giá trị viên ngọc Dạ minh châu của Chu Lục tới đâu, ta không cần bàn cãi gì thêm, chỉ cần nghe và nhìn thái độ chọn lựa của Chu Lục trong việc mua bán ngọc Dạ minh châu này ta cũng đánh giá được. “Viên ngọc này trả cho ông, tôi mua chiếc hộp này”.
Và, có thể có nhiều người tin rằng Chu Lục đúng. Một người giàu có và danh giá nhất nước Trịnh làm sao có thể đánh giá sai lầm? Vì người giàu có thì mới từng có những thứ quí báu như ngọc Dạ minh châu và như thế mới đáng giá nó được.
Ảnh minh họa
Về phần Chu Lục, ông tự cho là mình biết quá rành về ngọc Dạ minh châu “Không, tôi thấy viên ngọc chỉ có giá một trăm đến hai trăm lượng thôi, còn chiếc hộp này mới đáng giá ba ngàn hai trăm lượng”. Nói xong, Chu Lục bỏ đi.
Phán xong lời ấy, Chu Lục bỏ đi.
Lời nói “đầy uy quyền” của kẻ giàu có như phán quyết cuối cùng: viên ngọc Dạ minh châu này chỉ có mức giá trị đến đó. “Chu Lục bỏ đi”, không còn bàn cãi, ý kiến thêm gì nữa.
Có thể nhiều người phân vân không biết Chu Lục và người bán ngọc ai đúng ? Nhưng khó mà kết luận rằng Chu Lục sai, vì sự giàu có sành điệu của ông…
Nhưng có mấy ai ngờ, Chu Lục đã bỏ gốc lấy ngọn, bỏ ruột lấy vỏ, bỏ ngọc lấy hộp. “Mãi độc hoàn châu”, mua cái hộp mà trả lại ngọc châu.
NGƯỜI BÁN NGỌC
Mẫu mã bao bì tiếp thị quảng cáo
Dù ở vào thời đại xa lơ xa lắc ngày nay, nhưng ta thấy người buôn ngọc thật hiểu biết rất rành khâu tiếp thị quảng cáo đương đại.
Nếu bạn tìm hiểu bài học vỡ lòng về nghề thương mại, bạn sẽ nghe hướng dẫn những ý tưởng đầu tiên đại loại như sau:
Cái gì đập vào mắt người tiêu dùng đầu tiên sản phẩm hay bao bì của sản phẩm đó? Hiển nhiên là bao bì rồi? Vì vậy, nó đòi hỏi nhiều nỗ lực từ các nhà kinh doanh. Hãy thu hút sự chú ý từ khách hàng chính xác trong 3 giây. Tạo ra sự khác biệt với các đối thủ.
Duy trì sự chú ý từ người tiêu dùng đủ lâu để họ nhận ra được thông điệp đậm phong cách, xúc cảm được biểu hiện qua ngôn ngữ hình ảnh và truyền đạt thông tin của sản phẩm, yếu tố này thúc đẩy khách hàng tò mò cầm sản phẩm lên xem. Tạo một sự liên kết cực kì quan trọng. Và kết quả khách hàng sẽ mang sản phẩm này về nhà.(Internet).
Thật thú vị, ta nhận thấy người buôn ngọc đã thực hiện việc “tiếp thị” viên ngọc mình gần như không khác gì bài học tiếp thị quảng cáo ngày nay.
Để có thể bán được viên ngọc này với giá cao, người thương nhân đó đã nhờ một người thợ mộc nổi tiếng làm cho một chiếc hộp, sau đó ông lại nhờ một thợ điêu khắc chạm trổ những nét hoa văn bên ngoài, bốn mặt đều chạm hình lông chim rực rỡ sắc màu, đồng thời ông còn dùng hương liệu quý bỏ vào trong hộp cho tỏa ra mùi thơm. Người thương nhân mở chiếc hộp ra, rồi đặt vào đó hai lớp vải và cẩn thận cho viên ngọc quý vào trong.
Người buôn ngọc tạo “bao bì” sản phẩm - cái hộp đựng viên ngọc - có sức thu hút đến mức người mua - Chu Lục – mua cái bao bì là “cái hộp” mà bỏ “sản phẩm” là viên ngọc lại.
Giá trị thực bên trong
Thực sự, không ít người ngày nay khi mua một sản phẩm, một món đồ tiêu dùng, bị lừa bịp chất lượng vì bao bì mẫu mã xinh đẹp của nó. Cũng thế, nhiều người đã lầm trao niềm tin vào một người chỉ đẹp ở cái ngoại hình mà cái tâm của họ thì thiếu nhân tính.
Trường hợp người buôn ngọc ở đây, ông không hề có ý lừa bịp, mà ông muốn nâng cao giá trị viên ngọc Dạ minh châu bằng cách đặt nó trong chiếc hộp “sang trọng” cân xứng giá trị đích thực của nó.
Vấn đề ở đây, là Chu Lục đã không nhận ra “giá thị thực bên trong” của chiếc hộp.
Quả là người buôn ngọc này lòng trung thực, như đầu câu truyện đã giới thiệu ông: Ông ta buôn bán rất biết giữ chữ Tín cho nên mọi người đều thích mua châu báu của ông.
Có thể thấy rõ thêm điểu này, là ông không hề “vui mừng” khi Chu Lục trả lại cho ông viên ngọc Dạ minh châu. “Viên ngọc này trả cho ông, tôi mua chiếc hộp này”. Với người khác có thể họ sẽ reo mừng vì gặp một người hào phóng ngu ngốc đã để lại cho mình một món lợi to, viên ngọc bán mà như không bán, món tiền lớn như từ trên trời rơi xuống khi viên ngọc vẫn còn đó!
Nhưng người bán ngọc muốn giữ vững danh dự của mình. Mọi người đang tin tưởng nơi ông là một người buôn châu báu uy tín. Sự từ chối giá trị thực và đánh giá thấp viên ngọc Dạ minh châu của Chu Lục là điều có thể làm ông bị bẽ mặt và gieo vào lòng những khách hàng của ông sự băn khoăn hay đem lại những dư luận không hay về trình độ nghề nghiệp của ông. Vì thế, ông cố gắng thuyết phục Chu Lục đổi ý kiến để nhận ra “giá trị thực” của viên ngọc Dạ minh châu. “Khách quan! Chiếc hộp này chỉ đáng giá một trăm đến hai trăm lượng thôi, làm sao có thể đáng giá hơn 3.200 lạng vàng được”.
Có cần phải nói rõ như thế không? Với người bán ngọc là rất cần thiết. Có thể thấy rõ ràng ông không vui trong việc mua bán này, và có thể ông sẽ trả lại số vàng trao đổi này cho Chu Lục để xóa bỏ một thứ “hợp đồng mua bán” mà bên đối tác không đánh giá đúng giá trị thực của nó. Vì điều thật sự cần không phải là cái lợi trước mắt, mà là sự bền vững dài lâu. Nhưng, “Nói xong, Chu Lục bỏ đi”.
Việc người buôn ngọc không vui là điều rất dễ hiểu, vì đối với người buôn ngọc, ông rất coi trọng chữ Tín. Với bất cứ ai. Danh dự và uy tín luôn là hàng đầu, trong lãnh vực làm ăn, thương trường, những điều ấy còn quan trọng hơn nữa, vì nó quyết định chuyện thành bại.
Ngẫm nghĩ lại, chuyện xưa, chuyện nay, dòng đời vẫn thế, cũng không khác nhau lắm…
Như: "mãi độc hoàn châu" 買櫝還珠 mua hộp (đẹp) mà trả lại ngọc trai, ý nói chỉ chăm bề ngoài không xét đến giá trị thực bên trong. (Internet).
Dù là con người, hay là đồ vật, giá trị đúng nghĩa vẫn là “giá trị thực bên trong”. Cái bề ngoài, chỉ là chiếc mặt nạ, nếu có giá trị chăng, chỉ là thứ giá trị nhất thời.
Cũng luôn có nhiều Chu Lục và người buôn ngọc trong thời buổi hôm nay và cả ngày mai…
Có khi, biết đâu Chu Lục hay người buôn ngọc là chính ta… Xấu-tốt, giả-chân, thiện-ác, thực-hư, buồn-vui… ta cứ chạy theo sự ồn ào bên ngoài mà không nhìn lại trong sâu thẳm lòng ta… làm sao biết được “giá trị thực bên trong” của đời ta.
MAI NHẬT THI